Chương kết

Vâng! Tên gã trung úy đó là Địch. Sĩ quan thám báo Đặng Thanh Địch.

Nghe xong, sau khi hứa sẽ giữ kín câu chuyện này như giữ một chút danh dự lính chiến còn lại trong mình, ông Hùng lặng lẽ đứng dậy, âm thầm bỏ đi ra ngoài.

Đêm đã về khuya. Gió thổi nhẹ. Xôn xao. Thanh vắng. Chưa có sao nhưng bầu trời vẫn bàng bạc trắng, có lẽ do khoảng trống khoáng đạt và huyền diệu từ mặt đất hất lên.

Cái kết thúc của câu chuyện đượm vẻ ma quái này đôi lúc đã thấp thoáng ẩn hiện trong dự đoán của ông nhưng thực sự Ông không thể ngờ rằng nó lại diễn ra nghiệt ngã và thương tâm đến thế! Câu chuyện đã làm ông yên tĩnh trở lại rất nhiều nhưng cũng lại khiến ông nuối tiếc cồn cào không kém. Giá cứ để nó trong dạng giả thuyết sơ khai có khi lại còn dễ chịu hơn, đâu có cái gì mập mờ ở phía trước mà dò tìm? Nay mọi sự rạch ròi trần trụi ra rồi, lòng dạ tự dưng rơi tõm vào trạng thái nghịch, trạng thái yên tĩnh nặng nề.

Kiếm một vạt cỏ mịn, ông ngả người nằm xuống, hai tay khoanh lấy đầu, mắt nhìn lên vòm cao trống rỗng. Lâu nay ông thường có thói quen nằm kiểu này, nằm rất lâu, có khi qua đêm để đầu óc tan toa? ra với thiên nhiên rộng lớn, để đầu óc không phải suy nghĩ gì cả.

Vậy mà đêm nay, giữa thiên nhiên bao la hơn mọi đêm, mọi bộn bề cứ ồn ã dội về, càng nằm lâu, càng cố thư giãn, bên trái đầu càng ong ong nhức. Ông ngồi dậy đốt thuốc... Giụi thuốc... Lại nằm xuống... Lại đứng lên... rồi thất thểu đi tiếp. Cái câu hỏi ấy lại quay lại, vật vã trong đầu. Ừ, thì cứ cho là do một trường hợp ngẫu nhiên kỳ lạ mà cô ấy không chết nhưng tại sao cô ấy phải chạy trốn, phải chối bỏ quá khứ quyết liệt như vậy? Cái cẳng tay vấy máu khoác lên bờ vai cô ta kia là như thế nào? Thằng Phản ngực có tên là Địch trời đánh ấy có tác động gì vào câu chuyện này không? Chắc chắn là có rồi nhưng tại sao lại có thể như thế được? Chuyện đùa cả à? Ai đùa? Vô lý!... Bỗng dưng trong đầu ông sôi lên một nỗi giận dữ vô cớ và mãnh liệt. Ông quay người đi nhanh trở lại.

- Anh Tường ạ! - Ông đẩy mạnh cửa bước vào.

- Anh không đi dạo nữa? - Ông tường đã chuyển cách xưng hô mà không tự biết – Anh thấy cảnh vật nơi đây dễ thương không? Nó hao hao giống cảnh vật sông Sài Gòn: đất trời, mùi của gió, của nước, cây cỏ...

- Tôi biết nơi cô ấy ở và làm việc - Ông Hùng ngắt lời.

- Vâng! Tôi cũng đoán ra điều đó - Ông Tường trả lời bình thản.

- Biết cả cái gã thượng sĩ ấy nữa. Một cán bộ tin cậy của cô ta.

- Vâng, hình như thế. Một con người như vậy, thời nào, ở đâu nó cũng sẽ tạo được một độ tin cậy nhất định. Xã hội càng bất ổn thì thân phận hắn càng ổn. Ông cha ta vẫn gọi là “đục nước béo cò”.

- Vậy thì sao nào? - Ông Hùng bỗng hơi lớn giọng trước cái vẻ mặt quá ư lãnh đạm của người nói chuyện - Nó đã cướp vợ anh, đã không ngừng hãm hại anh, đã giết Hợi, đã đánh đập Sương và chính nó đã đẩy cô ấy vào ngõ cụt trốn tránh bạn bè, chối bỏ quá khứ và cũng chính nó, tôi biết, đang tìm cách hãm hại và khống chế cô ta trong những hành vi làm ăn phi pháp không lường được.

- Vâng, vậy thì sao nào? - Đến lượt ông Tường hỏi lại - Trừng phạt ư? Thanh toán ư? Bắt nó trả mọi nợ nần ư? Hay tố giác? Hay tìm cách cảnh tỉnh cho cô ấy biết? Tôi đã có nghĩ, giống như ngày xưa nhiều lần tôi cũng đã có nghĩ nhưng rồi lại buông trôi. Không ổn đâu. Muộn mất rồi. Lũ chúng ta bao giờ cũng muộn so với bọn ác tâm thất đức. Vả lại, chuyện cách đây đã gần hai mươi năm, mọi ân oán giang hồ đã bị thời gian đánh nhoà, khơi lại tôi thấy khó khăn lắm. Cũng có thể đó là suy nghĩ của một kẻ bạc nhược, bạc nhược cho đến lúc chết nhưng tôi nghĩ cái hôm qua là của ngày hôm qua, mục nát, lên mùi rồi, còn cái hôm nay là của ngày hôm nay, của lớp người hiện tại, của dòng chảy nháo nhào không cần biết trắng đen, phải quấy ra làm sao. Mình khơi lại, dù bằng bất cứ hình thức nào, biết đâu chả làm trò cười cho người tạ Chúng ta, xin lỗi, có lẽ hết phận sự rồi.

- Tại sao lại hết phận sự? - Ông Hùng run giọng lên – Thằng khốn nạn ấy không phải chỉ là của ngày hôm quạ Nó chính là của ngày hôm nay, nó đang luồn lách phá nát thêm hiện tại, nó là cái nọc độc còn sót lại và đang gặp thời phát triển. Tôi đã là một thằng bạc nhược, bạc nhược đến xấu hổ mà anh lại còn bạc nhược hơn. Thôi được, cứ cho là hắn không dính dáng gì đến ngày hôm qua đi nhưng lúc này thằng Địch nó đang hiện diện như một tội ác bên cạnh cô ấy, một cái ác cần loại bỏ mà không ai khác, chính những kẻ thiệt thòi không tin cậy như tôi với anh phải tiến hành.

- Tức là...

- Tức là không cần biết nó là ai, trước kia đốn mạt như thế nào, chỉ biết giờ đây nó đang xúc phạm đến chúng ta, đến những kẻ lương thiện khốn khổ, tôi và anh, chỉ cần tôi với anh thôi, ngày ngày mai sẽ thu xếp lên gặp nó. Ít nhất cũng cứu được cô ta.

- Ông vẫn còn yêu người đàn bà ấy đến thế ư?

Câu hỏi thoảng nhẹ cùng với ánh mắt chân thành kia khiến ông thoắt bối rối.

- Không!... Buồn cười! Thực chất đây không còn là chuyện cá nhân nữa mà nó thuộc về... Mà thôi, có lẽ ông nói đúng, ông Tường ạ! Trước ông, tôi không thể giấu: tôi vẫn còn... yêu mặc dù trước đây mới một tuần, sau khi khám phá ra cái nốt ruồi đen tren phần ngực trái của cô ấy, tôi tưởng trái tim mình đã hoàn toàn nguội lạnh.

Nét mặt ông Tường chợt chuyển sang bùi ngùi:

- Tôi hiểu anh, anh Hùng ạ! Tôi đã trải quạ Chỉ khác trái tim tôi mềm yếu hơn anh và, nói chung, chúng tôi đều mềm yếu hơn các anh, điều đó lý giải phần nào cái sự việc các anh đã là kẻ chiến thắng. Vâng! Đi gặp tên trung uý, đó là một ý hay nhưng anh hãy để cho tôi suy nghĩ thêm. Đã lâu quá rồi, trong cái đầu đã trở thành hoang hoá, sình lầy của tôi không còn chừa một chỗ nào cho hai chữ hận thù ẩn nấp cả. Khổ!

- Ban đêm ở đây ổn chứ? - Ông Hùng quay đi, ngáp khẽ một tiếng.

- Theo nghĩa nào kia?

- Mọi nghĩa. Trước hết là an ninh, trật tự.

- Anh có thể yên tâm - Ông Tường cười – Về chuyện này thì các anh làm cừ hơn chính quyền cũ rất nhiều. Nhưng để làm gì?

- Tôi muốn đi dạo xa một chút. Đêm nay tôi muốn đi dạo đến sáng, một mình.

- Tôi hiểu và tôi xin chia sẻ tâm trạng của anh. Trước đây tôi cũng thường có những buổi lang thang ban đêm một mình như vậy. Anh có thể đi ra ngoài bến xe. Một xã hội sống động đang vón cục lại ở đó. Họ thức suốt đêm, có cả quán nhậu hợp khẩu vị người Bắc. Tiền đây, anh cầm đi mà tiêu. Xin lỗi, tôi biết anh nghèo. Tất cả những người thoát chết đi ra từ cuộc chiến tranh đều nghèo, dù bên này hay bên kia. Chúc ông một đêm nhẹ nhõm.

Ông Tường móc túi lấy ra mấy tờ bạc 5.000 đồng đặt lên bàn. Ông Hùng định cầm lấy nhưng rồi lại thôi. Ông hiểu rằng đêm nay, mình sẽ không còn lòng dạ nào dùng đến tiền.

Lúc ấy ông không ngờ rằng mọi việc sẽ được kết thúc rất gọn ngay trong đêm ấy mà cuộc đời không cho ông kịp lang thang để nhâm nhi nỗi buồn man mác của mình.

Bởi vì, thả bộ gần đến bến xe, dưới ánh sáng nhập nhoà của đèn đường, của các quán tiệm hắt ra, của mấy ngọn đèn xe máy vút tới, ông thoáng nhìn thấy một người đàn bà đầu quấn khăn rằn che gần kín mặt, vai khoác túi du lịch màu đen, bộ quần áo vận trên người cũng màu đen, có vẻ vừa xuống xe, vội vàng kêu một chiếc hon đa ôm phóng ngược lại phía mình.

Tần ngần nhìn theo chiếc xe đang chìm dần vào vũng tối rừng cao su, ông linh cảm thấy có một điều gì đó có liên quan và quyết định huỷ bỏ chyến dạo đêm, quay người đi ngược trở lại.

Cảm giác ấy ở ông đã không nhầm. Đến đầu ngõ rẽ vào nhà ông Tường, ông đã nhìn thấy chiếc hon đa có tiếng nổ như đại liên kia gầm gừ lộn trở lại. Đi tiếp thêm một đoạn nữa, vừa chớm bước vào sân, ông thoáng nghe được tiếng đàn bà vang khẽ ở trong nhà. Tiến nói quen thuộc lắm. Nhợn người, ông thảng thốt dừng lại và qua khe cửa khép hờ, ông đã sửng sốt nhận ra đó là ai.

Trước mắt ông, khác hẳn với một Sương giám đốc, Sương tỉnh uỷ, Sương phó chủ tịch ngày hôm qua, tối nay trông cô thật bình dị, thật gần gũi trong bộ quần áo bà ba đen và khuôn mặt không hề tô thêm một chút phấn son nào. Cô gần như đã trở lại hoàn toàn là cô cách đây của hai mươi năm về trước, chỉ hơi già đi và mập ra một chút. Đứng ngoài cửa, ông Hùng như bị hút chặt vào khuôn mặt ấy, dáng hình quen thuộc một thưở ấy, bước vào không xong mà lùi ra cũng không được nữa. Một cảm giác ngộp thở của những lần sập hầm ùa vào ngực ông, đục phá ông quyết định cứ đứng nguyên như thế, cố cưỡng lại ý muốn được gõ cửa bước vào. Ông muốn chứng kiến toàn cảnh, được nghe mọi chuyện một cách khách quan, nếu mạo muội bước vào bây giờ là mọi chuyện có cơ lại rối tinh lên hết. Và ông chờ...

- Chị Ba bữa nay nhìn khác quá, tôi nhận không ra – Trong nhà, tiếng nói ông Tường vang ra đều đều, vẫn phảng phất một nét bình thản cố hữu – Nhưng cũng lại giống ngày xưa quá! Cho phép tôi nêu một hận xét: Các chị cứ ăn vận thế này là đẹp nhất.

Ba Sương tháo chiếc khăn rằn xuống, nét mặt buồn buồn như bao giờ cũng buồn như vậy, lại tiếng nói vuốt nhỏ ở những âm tiết cuối:

- Tôi hiểu ý anh nói. Nghĩa là tôi cứ là tôi của hai mươi năm về trước, một con bé Việt Cộng gầy guộc lang thang trong rừng sẽ hợp hơn.

- Lang thang? - Ông Tường để rơi ra một tiếng cười nhỏ – Nếu chị gọi đó là lang thang. Chị uống nước đi! à, mà chị Ba đã cơm nước gì chưa để tôi đi nấu? Nhanh thôi, thức ăn đã có sẵn.

- Cám ơn, tôi chưa ăn nhưng không đói, không thể ăn được cái gì bây giờ hết - Cô nhìn nhanh ra sân, vẻ bồn chồn khác lạ, tưởng như giây phút ấy, ánh mắt cô đã va mạnh vào ánh mắt ông – Anh... Anh có thể khép bớt cửa lại được không? Tôi... tôi lạnh.

Ông Tường đi ra gài cửa, vẫn vô tình chừa cho ông một chút khe hở để nhìn vào.

- Tôi thấy chị có vẻ bệnh? - Ông Tường lo lắng hỏi.

- Không. Anh Tường... - Cô đảo mắt nhìn quanh nhà - Anh vẫn đang ở một mình đó chớ?

- Ý chị muốn nói là...

- Không, tôi muốn hỏi... Thôi được, tôi xin hỏi thẳng luôn: Mấy bữa nay anh có thấy một người khách lạ nào đến tìm anh không?

- Lạ?

- Dạ! Cao, gầy, dòm tiều tuỵ, u uẩn, có dáng của một người suy nhược thần kinh.

Ông Hùng bất giác giật thót. Cô ta đang hỏi về mình. Nếu bây giờ ông Tường nói có, có đấy, thì không còn cách nào khác, ông buộc phải xuất hiện. Nhưng có đúng là cô ta đang hỏi về mình không? Có lẽ cùng một cảm nhận ấy, lại gặp nhau ở cái vẻ trầm tĩnh, từng trải của người già nên ông Tường hỏi lại:

- Chị cứ nói thẳng ra đi! Người đó là ai?

- Anh tên là Hùng. Hai Hùng, bạn bè cũ của tôi trào đánh Mỹ. Tôi cần gặp ảnh bàn chút công chuyện. Có không anh?

Có! Tiếng trả lời của tôi rung vang trong lồng ngực nhưng đôi chân tôi vẫn cứng vào đất. Trong nhà, để cho câu hỏi lắng đi một lúc, ông Tường mới nhìn sâu vào đôi mắt mở to chờ đợi của người đàn bà, chậm rãi gật đầu.

- Trời! Anh đâu? – Cô ta đứng nhanh dậy khỏi ghế, dợm chân như muốn bước vào nhà trong.

- Đi dạo rồi. Có thể qua sáng mới về.

- Anh có hỏi gì không và anh có nói gì không? Tôi... Tôi muốn nói là...

- Tôi hiểu - Ông Tường đốt thuốc, nhả khói bình thản -Anh ấy có hỏi và tôi trả lời. Trả lời hết. Với một con người như anh ấy, im lặng tức là có tội mặc dù làm vậy tôi đã không phải với chị, đã thực hiện sai cam kết cùng chị. Anh ấy có bảo, nghe để biết, để yên tĩnh linh hồn, sẽ giữ kín như giữ một chút danh dự lính chiến ít ỏi còn lại mình. Đó là một con người có tư cách. Xin chị Ba tha lỗi, và bây giờ tùy chị, trừng phạt thế nào tôi cũng chịu.

Ba Sương hơi ngửa đầu ra sau, mắt nhìn lên kèo nhà, buông một tiếng thở dài mệt nhọc:

- Mọi cam kết cho đến giờ không còn ý nghĩa gì nữa. Chính tôi phải xin lỗi anh. Tôi đến đây không phải vì cái đó. Chậm mất rồi! Tôi đến để gặp ảnh. Tôi đoán ảnh sẽ tới đây, nhất định sẽ tới và chính tôi sẽ nói với ảnh mọi chuyện. Nhưng anh đã nói rồi thì thôi, cám ơn anh, tôi không còn việc gì phải ở đây nữa.

Còn! Còn nhiều chuyện để nói lắm. Em không thể đi dễ dàng như thế được!... Tiếng nói trong ngực ông lại rung lên nhưng vừa lúc ông Tường đã dứng phắt dậy:

- Sao? Chị tính đi luôn? Đi trong đêm?

- Dạ? Nhờ anh nói lại, tôi đã có lỗi rất nhiều với ảnh. Lỗi cả trước kia, hiện tại và sau này. Gần hai mươi năm qua, tôi biết ảnh vẫn nghĩ về tôi, vẫn thỉnh thoảng hỏi tin tôi ở chỗ này, chỗ kia, thậm chí ảnh còn ghé thăm mô... tôi nữa. Còn tôi, tôi lại im lặng dù rằng, suốt trong khoảng thời gian đó, ảnh làm gì, ở đâu, đường vợ con công danh lận đận thế nào, tôi đều biết, tôi đều... Nhờ anh...

- Không! Không có nhờ gì hết. Lần này tôi không thể cho chị nhờ gì cả - Ông Tường khoác vội cái bludông và người – Chị Ở đây, tôi sẽ đi kêu anh ấy về ngoài bến xe, nhanh thôi, chỉ mười phút. Anh ấy cần gặp chị lắm! Rất cần. Anh ấy vẫn yêu chị.

Người đàn bà khẽ rùng mình một cái, giọng thoảng đi:

- Thôi, khỏi cần anh à! Gặp cũng chả để làm gì. Muộn rồi! Gần hai chục năm trời, mọi sự đã thay đổi quá nhiều, gặp thêm bẽ bàng, khó nói. Đối với ảnh, tôi muốn tôi bao giờ cũng chỉ còn là một cái xác. Vả lại – Cô liếc nhìn đồng hồ đeo tay – Tôi phải về gấp, làm sao trưa mai đã có mặt ở dưới đó rồi. Người ta đang chờ tôi. Tôi đến đây như một sự trốn để đến. Hơn nữa, tôi... tôi sợ giáp mặt ảnh. Cũng như tôi đã từng sợ giáp mặt với nầm mồ chị Hai, nấm mồ của... tôi!

- Người ta là ai?... Chả lẽ lại cái gã trung úy đồ tể ngồi chung xe với chị dạo nọ? Cái gã đã...

- Thì ra anh cũng biết hắn?... Trời! Thôi, cũng chả sao. Rồi tất cả mọi điều sẽ được biết hết. Nhưng riêng lần này thì không phải là hắn. Đông hơn hắn, khủng khiếp hơn hắn nhiều. Họ là...

Một tiếng xe máy rồ qua khiến Sương đột ngột chựng lại, mắt lộ vẻ bồn chồn nhìn nhanh ra ngoài, rồi lầm bầm một câu không đâu vào đâu:

- Làng quê mà sao cũng đến là nhiều xe máy...

Bạn đọc thân mến! Chắc các bạn đã từng có một lần chui vào tấm đắp dù xông lá thơm mỗi khi trời bắt cảm cúm? Đứng chết trân ở ngoài cửa, hình dáng y hệt một tên ăn trộm đêm thảm hại, nhân vật chính của chúng ta cũng đang ở trong trạng thái ấy. Mồ hôi ông toát ra đầm đìa, da thịt khi nóng khi lạnh, khi lại trơ ra không còn cảm giác gì nữa. Mỗi một câu nói, một cử chỉ, một cái nhìn của bà ta là một luồng hơi cay xộc thẳng vào mũi ông, đẩy nhanh ông vào một tình thế chơi vơi, mềm oặt không cưỡng lại được. Ông thả người ngồi phệt xuống bậc hè, không muốn hay không dám nhìn vào trong nữa. Ông sợ lồng ngực ọp ẹp của mình nổ tung lên dưới một áp lực đa chiều biết là không cách nào chịu thấu.

Từ nơi đó, tiếng nói trầm trầm, hay vuốt nhọn ở những âm tiết cuối vẫn khe khẽ vẳng ra, mỗi lúc một dồn dập:

- Tôi có lỗi với anh, với chị Hai, với tất cả bạn bè trong rừng. Chính vì điều đó, vì hương hồn chị ám ảnh mà tôi phải bỏ xứ ra đi, phải ráng quên đi hết thảy...

- Nhưng mọi người và cả tôi...

- Xin đừng ngắt lời tôi. Đây có thể là lần cuối cùng, cứ để tôi nói hết, nói một lần... Ngày ấy, khi nghĩ rằng tôi đã chết, tổ chức và mọi người đã coi tôi như một người anh hùng. Họ ca ngợi tôi là một nữ sĩ kiên cường, một đảng viên trung kiên đã nêu một tấm gương hy sinh ngời sáng cho lý tưởng Cộng sản. Họ tuyên truyền, họ ghi vào sử sách, họ rao giảng trong các trường học, các nhà máy, công sở, các vườn trẻ, mẫu giáo một gương tuẫn tiết hào hùng, làm vẻ vang cho quê hương. Người ta còn định tạc tượng tôi, lập phòng bảo tàng về tôi... Trước vầng hào quang không có thật ấy, tôi biết phải làm thế nào? Chả lẽ tôi lại ra đầu thú rằng tôi vẫn còn sống, rằng cái người đang nằm dưới mộ kia chỉ là một phần tử chiêu hồi ra làm nghề bán bar rồi bị lính hiếp chết? Tôi sơ... Tôi không nỡ làm mọi người, những con người thật tốt đối với tôi phải hụt hẫng, phải thất vọng. Họ sẽ phải làm một cuộc cải chính trên toàn bộ công luận, phải tẩy sạch ấn tượng trong tâm hồn bọn trẻ nhỏ, phải... Phải nhiều lắm. Tôi đã chẳng may đi vào lịch sử rồi, một khi muốn đi ra, đâu có dễ. Còn cá nhân tôi? Tôi chả là cái gì, tôi sẵn sàng dẹp bỏ hết thảy nhưng rồi tôi vẫn sẽ bị lục vấn, bị hạch sách đủ điều, sẽ quật mồ con Việt Cộng bán bar chiêu hồn lên để thay tôi vào đó hay sẽ nhắm mắt bỏ qua mọi chuyện? Tôi sẽ phải đứng trước những thủ tục rườm rà, những khai báo trở lại, những bằng chứng lôi thôi, nhất là một khi những bằng chứng đó liên quan đến anh, một đại úy tâm lý chiến, đến ông thiếu tá bác sĩ bạn anh, đến chị Hai Hợi và đến... cả anh Hùng, con người dù không có tôi cũng đang khốn khổ đủ điều. Tôi không thể xúc phạm các anh, càng không thể động chạm đến vong linh chị Hai, người chị đã chết thay cho tôi. Tôi không thể... Xin anh cho tôi ly nước! Dạ, cám ơn. Chính vì lẽ đó mà tôi phải chạy trốn, phải chối bỏ tất cả, chối bỏ bạn bè, chối bỏ quê hương, chối bỏ cả người đàn ông mà cho đến nay, sau bao nhiêu vui buồn, ngang ngửa, tôi vẫn không bao giờ nguôi được những kỷ niệm đã có. Không nguôi được nhưng tôi vẫn phải im lặng vì tôi đâu có còn xứng với người ấy nữa! Kìa... Cái gì đập lách cách thế? Anh đã gài kỹ cửa chưa?

- Không sao. Gió đấy. Đêm nay đài báo có thể có bão. Chị cứ yên tâm.

- Dạ! Cách đây ít ngày, người ấy có đến tìm tôi. Trời ơi! Tôi không thể ngờ con người ấy giờ đây lại có thể tiều tuỵ như thế được, trong khi tôi... Hình như tôi lại làm cho người ta khổ thêm. Làm sao lại đến nông nỗi thế? Anh có biết không, tệ nhất là dần dà rồi chính tôi cũng ngây ngất với vầng hào quang giả dối ấy. Tôi bắt đầu sanh tật ngắm nghía, thưởng thức bản thân mình như chính mình là một người anh hùng lưu truyền sử xanh thật. Và vậy là tôi buộc phải chọn giữa hai nhẽ: can đảm đứng ra rũ tuột vinh quang để được bạn bè, được sự yên tĩnh suốt đời hoặc tiếp tục im đi để có tất cả, cả cuộc sống và cả niềm vinh quang của người chết. Tóm gọn lại là, anh có văn hoá cao, tôi không muốn nói chữ nghĩa nhưng nó đúng như vậy, con người khốn khổ của tôi bao nhiêu năm trời cứ luôn tách ra làm hai: cái phần sống nếm náp mùi vị ngọt ngào của phần chết và cái phần chết lại không ngừng day dứt làm tình làm tội phần sống. Tôi đã hèn nhát chọn nhẽ thứ hai bằng cách giạt hẳn về quê cũ, về cái nơi không một người nào biết tôi là ai để đầu thai làm một người khác.

Tiếng người đàn bà nhỏ lại như bị hụt hơi. Im lặng một lát rồi tiếng ông Tường hỏi:

- Nhưng ở đó người ta không điều tra, không tìm hiểu gì về tiểu sử của chị ư? Bộ máy tổ chức của các chị chặt chẽ lắm kia mà?

- Thời hậu chiến ngổn ngang, trăm sự còn đang rối mù, cái xấu cái tốt, cái giả cái thật dựa dẫm vào nhau cùng tồn tại, người nào lo phận người đó đã kiệt sức rồi, còn hơn sức đâu để ý, quan tâm đến kẻ khác nữa anh.

- Nhưng chị lại là...

- Là cán bộ đầu ngành, là cấp uỷ cao nhất, chắc anh Hùng đã nói lại với anh? Mấy giờ rồi nhỉ? Trời, đã gần mười hai giờ rồi kia à? Không sao, vẫn còn kịp. Vấn đề là ở đó. Nếu tôi chỉ về làm dân, lấy chồng rồi sanh con thì dễ quá. Nhưng khốn nỗi, tôi lại muốn sống sao cho tương xứng với cái vầng hào quang vừa thật vừa giả của mình. Hơn nữa tôi cũng muốn làm một điều gì khả dĩ có thể chuộc lỗi cho chị Hai, cho hương hồn chị nằm ở dưới đó được yên ổn và cũng muốn chuộc lỗi cho chính sự trốn chạy bạc bẽo của tôi trước quá khứ. Song tôi đã lầm. Nhưng đó là ở đoạn sau. Còn lúc ấy, để có cơ hội thực hiện được ý định đau đáu của mình, tôi buộc phải nói hết với người bà con duy nhất còn lại là ông bác ruột, vốn là bí thư khu uỷ đã về nghỉ mất sức. Chính ông bác này tạo điều kiện cho chị em tôi chuyển cư lên miền Đông để trốn tránh sự truy bức của chính quyền xã hội đó. Ông bác tin tôi cũng như đã rất tin ở tư chất gia đình tôi (Ba má và hai anh trai tôi đều hy sanh hết trong thời kỳ đánh Pháp và đầu đánh Mỹ), đã đứng ra bảo lãnh cho tôi trước tổ chức địa phương với một nguyên cớ có thể tạm chấp nhận được: Tôi vốn là cơ sở nội thành Sài Gòn hoạt động trong giới thủ công, bị bắt từ hồi Sáu Tám rồi bị địch đày ra Hố Nai, Côn Đảo hay Phú Quốc gì đó, mãi cho đến Bảy Ba mới được trao trả, vẫn giữ vững khí tiết người chiến sĩ cách mạng và người đảng viên cộng sản ở trong tù. Tất nhiên không động đến cái địa bàn bên sông Sài Gòn để tránh những liên hệ tất yếu về khía cạnh tổ chức sẽ xảy ra. Đang thiếu nhân cốt cách mạng, lời giới thiệu của ông cựu bí thư khu uỷ được tổ chức ỏ đó dễ dàng chấp nhận. Thế là tôi lao vào công việc với tất cả sức lực và nỗi khát khao được bù trừ cho mọi khiếm khuyết của bản thân. Vốn được học xong trung học từ trước, lại tương đối tháo vát do những năm cọ xát liên tục với kẻ thù ở trong rừng tạo nên, tôi đã làm tốt tất cả mọi việc, dù khó khăn đến mấy. Rồi tôi được đi đào tạo ở nước ngoài, được tin cậy, được cất nhắc đảm trách những cương vị nhất định.

Nhưng tôi đã lầm. Đang khi nỗi dằn vặt vì mặc cảm quá khứ đã vơi nhẹ đi được phần nào thì như một tiền định khắc nghiệt, hắn bỗng đột nhiên xuất hiện.

Nghe tới đây, ông Hùng không thể ngồi yên chỗ cũ được nữa. Có một lực rất mạnh lại hút chặt tầm mắt ông vào khe cửa ban đầu. Sương vẫn ngồi nguyên chỗ, da nhợt đi, trán lấm tấm mồ hôi, hai ngón tay của bàn tay cụt ngón đưa lên bóp bóp thái dương.

- Trong nhà có sẵn xê- đuy-xen hay B6 gì đó không?

- Chị đau đầu? - Ông Tường ái ngại hỏi.

- Hơi nhức một chút. Vẫn vết thương cũ. Năm rồi được sang Đức chữa chạy, tưởng khỏi, chẳng dè lại trở lại như cũ, có chiều nặng hơn.

- Nhà không có sẵn, để tôi chạy ù ra phố.

- Thôi, không kịp đâu mà... tôi cũng đã đỡ rồi.

Ở ngoài, ông Hùng bất giác sờ tay vào túi áo ngực. đau đầu ư? Những người ra khỏi chiến tranh ai chẳng đau đầu. Trong túi ông lúc nào cũng trữ sẵn hàng vốc thuốc đau đầu đây. Ông quyết định bước vào. Dù câu chuyện kia có thể bị lỡ dở, dù bản chất sự thật sẽ không còn được nguyên vẹn khi có mặt ông nhưng ít nhất ông cũng sẽ giúp cho cô ta về một phương diện y tế rất cần thiết trong lúc này. Nhưng một lần nữa cái ý định đó lại không thực hiện được. Ông chưa kịp đưa tay lên gõ cửa thì cái tiếng nói buồn buồn ấy lại tiếp tục cất lên. Khổ thật! Kết cục là người đàn bà ấy ngại giáp mặt với ông trong khi chính ông cũng đang ngại ngần giáp mặt với cô ta.

- Còn chừng mười lăm phút nữa, anh nhớ nhắc tôi nhé! Tôi, bằng giá nào cũng phải về kịp thành phố sớm mai, từ thành phố, tôi còn phải xuôi... Tôi kể tới đâu rồi nhỉ? Trời, độ này đầu óc tôi hay lú lẫn lắm à, tôi đang nói về sự xuất hiện của hắn. Hắn nói là hắn, chỉ mình hắn thôi là biết tôi còn sống. Khi quyết định mang xác tôi ra bêu giữa chợ (tức là xác chị Hai) hắn đã phát hiện ra cái xác này không có bàn tay cụt ngón như hắn vô tình để ý thấy trong cuộc vây ráp đó. Kiểm tra kỹ lại, hắn nhận ra đó chính là Hai Hợi, người đàn bà chưa bao giờ thuộc về hắn nhưng hắn lại thuộc lòng cái hình dáng ấy không thiếu một chi tiết nào. Nhận ra nhưng hắn buộc phải im lặng bởi vì xới tung câu chuyện này lên, với tư cách là kẻ chỉ huy trực tiếp cuộc càn, chính hắn sẽ bị cấp trên rầy rà, chưa nói đến một việc còn hệ trọng hơn: dù có bằng chứng Hai Hợi là một con Việt Cộng nằm vùng đi nữa, song cái tội hãm hiếp chết người còn chưa biết đường phi tang vẫn treo lơ lửng trên đầu hắn. Nhưng kể từ đó, hắn bắt đầu gắt gao theo dõi anh, tìm ra mọi sơ hở của anh để kiếm cách vô hiệu hoá, thậm chí để thủ tiêu. Không phi tang được người chết thì hắn quay ra phi tang người sống. Hắn dò hỏi được chỗ quân y viện tôi nằm, hơn nữa, đã có lần đến thăm tôi mà tôi mê man không hề hay biết. Tình hình chung lúc này rất bất lợi cho hắn. Nếu phải đi cải tạo thì với tất cả những tội ác đã phạm phải, hắn tự coi như rồi đời. Hắn đột nhiên nảy ra ý định nắm giữ tôi để làm vật bảo chứng sau chiến tranh.

Giải phóng xong, hắn bỗng biến đi đâu một thời gian, tới khi mọi việc ở tôi đã tạm ổn, hắn xuất hiện trở lại và yêu cầu tôi bảo lãnh, cưu mang. Kinh khủng hơn, hắn muốn có một lý lịch trong sạch, đã từng chiến đấu ngoan cường, hắn muốn có công ăn việc làm để bắt đầu một cuộc đời lương thiện, hắn muốn được ở dưới quyền tôi, được giao những trọng trách trong công việc buôn bán kinh doanh. Nghe miệng hắn nói, nhìn mắt hắn, tôi hiểu ra rằng tôi không có đường từ chối. Từ chối ư? Lập tức mọi bí mật giữ kín lâu nay sẽ bị bật tung ngaỵ Và còn điều này nữa mà tôi chỉ có thể lộ riêng với anh: hắn muốn là tình nhân của tôi! Hắn nói tôi đẹp, tôi cao quý, tôi gợi nhớ đến người chị bà con đã làm cho hắn điêu đứng một thời. Qúa kinh tởm, nếu có thể bắn hắn được thì tôi đã bắn chết hắn ngay lúc ấy nhưng... Tất nhiên là tôi khước từ, chỉ khước từ riêng cái gọi là tình yêu của hắn.

Sau rốt, do công việc phải va chạm nhiều, lại thường có những chuyến đi công tác dài ngày cùng hắn, hơn nữa hắn xét đến cùng cũng là người năng nổ, giúp tôi được khá nhiều vụ việc nan giải, rồi nhận thấy hắn cũng có vẻ muốn tu chí làm ăn sửa đổi lại lỗi lầm cũ thật, tôi đã, nói điều này có thể anh sẽ khinh miệt tôi, tôi đã dần dần xiêu lòng. Khi đoạt chiếm được tôi rồi, hắn bắt đầu lộng hành, tung phá, đưa đẩy tôi vào những vụ làm ăn phi pháp nhân danh Nhà nước, nhân danh cơ chế mà tôi thực sự không biết. Và cũng không cưỡng lại được. Vậy là tôi bị kẹt ở giữa danh dự công dân và danh giá đàn bà. Thú thật, đã nhiều lần tôi muốn chia tay hắn, muốn cảm hoá, muốn nói chuyện sòng phẳng với hắn, thậm chí thách thức hắn nhưng rồi lại bất lực. Hắn đã nắm được tôi. Còn tôi, tôi lại đi nhân nhượng với hắn vì nghĩ rằng, cũng như tôi, hắn cũng là một nạn nhân của cuộc đời nhiều sóng gió này. Hắn như một con rắn độc, lợi dụng lúc lòng dạ tôi đang trống vắng, cô đơn, đã bò vào đời tôi quá sâu, không rút ra được nữa.

Thế rồi mọi trò đen tối cũng được người ta sờ tới. Cả tôi và hắn, hai sinh mạng mang hai lý lịch giả, đều sẵn sàng bị đặt trên giàn lửa chưa biết chết lúc nào. Đúng lúc căng thẳng ấy, anh Hùng xuất hiện.

Hết mười lăm phút chưa? Sắp à? Chết! Khéo lỡ mất. Chuyến xe tốc hành cuối cùng chạy lúc 12 giờ. Tôi nói nốt câu nữa rồi phải đi thôi. Tôi sợ lúc này... Không, trưa mai tôi phải làm việc với đoàn thanh tra của Bộ. Tôi sẽ thú nhận tất cả, dù vô tình hay cố ý làm sai. Hắn đoán biết được điều đó và mấy bữa nay theo sát tôi từng bước. Hắn muốn tôi làm ngược lại, hắn bảo không muốn vào tù và cũng chẳng có chứng cớ gì để vào tù cả. Còn tôi, tôi đã quyết định và không thay đổi nữa. Tôi muốn vào giờ phút chót, tôi sẽ ráng làm dược một cái gì đó để tạ lỗi với bạn bè, với cuộc đời này. Cho dù hắn ập vào đời tôi như một thứ bóng ma của quá khứ, có lúc nằm ngoài, có lúc nằm ngay trong tôi. Khốn nạn! Vậy mà đã có những ngày tôi đã... yêu, đúng, tôi đã yêu hắn như yêu chính cái phần đen đúa của bản thân mình.

- Hắn có biết chị đi đâu và có biết cái nhà này không? Ông Tường hỏi cắt ngang.

- Biết. Hắn đã theo tôi đến đây một lần nhưng không vào. Tôi sợ rằng tự nhiên không thấy tôi, hắn sẽ đoán ra và mò đến đây. Cho nên...

- Thôi được. - Ông Tường đứng dậy - Tôi sẽ đưa chị ra bến xe. Nếu không có xe, tôi đưa thẳng chị về Sài Gòn.

- Anh tốt quá! Bao giờ cũng tốt. Anh Hùng cũng vậy. Mà sao đến lúc này ảnh vẫn chưa về?... Anh Tường biết không? Cuộc họp trưa mai, tôi có thể trắng án vì các bằng chứng đều được hắn tinh ranh hợp lý hoá hết nhưng từ buổi gặp ảnh, gặp anh Hai Hùng đó, tôi bỗng bị phá vỡ hoàn toàn vỏ bọc. Nhìn con người anh hôm nay lại nhớ đến hình ảnh tuyệt vời đẹp đẽ của anh ngày hôm qua, tôi đã khóc và thấy mình không thể sống như cũ được nữa. Tôi quyết định trở về con người thật của mình vào ngay buổi trưa mai, dù cho có phải trả giá thế nào.

Điều cuối cùng, sáng mai anh Hùng về, rất tiếc là tôi không chờ được, anh nói giùm, tôi đã không xứng đáng với tình cảm của ảnh, xin ảnh tha lỗi như tha lỗi cho một đứa em gái dại khờ và suốt hai mươi năm qua, đứa em gái đó vẫn không quên được người anh trận mạc của mình. Chúc ảnh mạnh giỏi và quên tôi đi! Chào anh!

- Không! Không đi đâu cả! - Ông Hùng xô cửa bước vào, giọng nói tắc lại.

- Trời!... Anh Hai! – Ba Sương lùi người trở lại, hai tay bất giác đưa lên che đỡ lấy ngực như hôm nào.

- Sương! Em cứ ở đây. Ngày mai tôi sẽ đưa em về - Ông Hùng đứng chắn ngang cửa, cặp mắt trũng sâu sáng lên – Nếu cái đoàn thanh tra ấy muốn, chính tôi sẽ trả lời, nhân danh những người chết và những người sống, tôi sẽ trả lời thay em.

Sương càng lùi lại, miệng lắp bắp:

- Không... Không được đâu anh. Đừng anh...

- Bởi vì dù đêm nay em không đến đây, ngày mai chúng tôi, có cả Ba Thành, cả thằng Tuấn, cả anh Tường đây cũng sẽ xuống đó. Sẽ xuống với một đồng đội đang cần được bảo vệ như ngày xưa kia.

- Không...

- Hay là em sợ hắn? Đêm nay cứ để cho hắn đến đây. Chính anh đang muốn gặp thằng khốn nạn đó để thanh toán sòng phẳng. Thay mặt mọi người để nói chuyện với hắn một lần cho dứt.

- Cám ơn... anh. Cám ơn các anh nhưng muộn rồi! Muộn mất rồi!

- Không bao giờ là muộn cả nếu trong lồng ngực mình vẫn còn đập một trái tim trong sạch. Tôi, em, anh Tường đây, chúng ta chưa đến nỗi bị cuộc đời khốn nạn biến trở thành thú vật.

- Nhưng... Kìa! Cái gì thế?

Sương bỗng tái mét mặt, chân tay run lẩy bẩy khi từ ngoài đường đang bay vào một ánh đèn pha xe máy cùng với cái tiếng nổ cùng cục như đại liên xả xuống sình hồi nãy.

Hai ông chưa kịp hiểu ra điều gì, đã thấy một bóng người cao lớn nhảy khỏi xe đi nhanh vào nhà. Tiếng đế giày hối hả, tự tin như đi vào căn hộ nhà mình... Thằng Địch! Vâng, hắn chính là thằng Địch. Sơ mi nâu, quần bò nâu, mũ phớt, hai cánh tay kềnh kệnh, hắn hiện diện trước cửa căn nhà lá như hiện thân của hung thần. Bằng đôi mắt bắt ánh đèn sắc lẻm, hắn nhìn lướt qua mặt tất cả mọi người rồi dừng lại ở khuôn mặt Ba Sương sau khi buông ra một tiếng cười nhạt:

- Thế là hội tụ ráo trọi tại đây những con người bất hạnh của cái buổi sáng nổ hầm. Bravô! Định phận khéo xếp đặt dữ ha - Hắn ung dung tiến lên một bước - nhìn trong mắt các vị, tôi biết các vị vừa nói cái gì và trong đầu các vị đang nghĩ gì. Các vị đang nguyền rủa tôi, đúng không? Có đúng vậy không hở bà giám đốc? Hắn ngồi xuống châm thuốc hút rồi quẳng cả gói ra bàn – Tốt thôi. Vẫn như cách đây hai mươi năm, tôi là phần tử lẻ loi. Một trên bạ Nhưng bao giờ tôi cũng là kẻ mạnh, trước kia cũng như hiện naỵ Hình như dáng điệu nhàu nát của các ông đã nói rõ điều đó. Có đúng không ông đại uý? Ông đội trưởng đặc nhiệm?

- Anh im đi! – Tiếng ông Tường ngột ngạt – Ít nhất khi đến nhà người khác, anh cũng nên tỏ ra lễ độ một chút.

- Lễ độ? – Hắn cười phá lên một tiếng khô gọn – Dạ, tôi xin lỗi về sự lỗ mãng mà từ xưa, ông đại úy trí thức đây đã khinh bỉ sâu sắc. Cảm phiền giùm đi – Hắn rút từ túi áo ngực ra một tập hoá đơn chìa trước mặt Sương - Kẻ lỗ mãng vô học này sẽ đi ngay đây nếu như bà giám đốc làm ơn ký hết cho tôi tập giấy này, ký từng cái. Vậy thôi.

Sương lúc này đã lấy lại được vẻ mặt bình thường, cô hất mạnh mái tóc đã có lác đác những sợi tóc bạc ra phía sau, tiếng nói rung mạnh ở những âm tiết cuối:

- Anh lại mặc cả? Suốt đời anh chỉ làm độc một việc là đi mặc cả với mọi người, với cuộc đời thôi ư? Thiệt quá sức ghê tởm!

- Được, cứ cho là thế đi – Hắn cười nham nhở – Nhưng tôi hứa với em (Tiếng em nhấn mạnh để khẳng định chủ quyền) đây là lần mặc cả cuối cùng. Sau lần này em sẽ không bao giờ phải nhìn thấy mặt tôi nữa. Thế là rũ sạch, nhẹ người, đúng không?

Hai tiếng “đúng không” lặp đi lặp lại đầy vẻ trịnh thượng của hắn đã là cú hích cuối cùng vào cơn giận đến lịm người đi của ông Hùng. Trước mắt ông, hắn loà nhoà trở lại nguyên hình là tên trung úy năm xưa đang lấy đầu gậy hất hất cánh tay bị gẫy quẹo của Sương ra khỏi lưng... Tôi đếm từ ba đến một... Nhưng cái gì đã khiến hắn có thái độ tự tin dường kia khi hắn biết mình đang đối diện với những kẻ đang căm ghét hắn tột cùng? Chỗ dựa Ba Sương hay điểm tựa cơ chế, pháp luật? Hoặc hắn chắc mẩm rằng động vào hắn chính là động vào danh dự cô ấy, chả dại gì?... Từ ba đến một... Cả một biển máu bầm tím đang dâng lên... Những linh hồn vất vưởng kêu khóc trong nghĩa trang... Cánh tay con quỷ đang quàng qua vai con chim sẻ... Từ ba đến một... Ông biết, chỉ cần một giây nữa, khi bàn tay ông chạm được vào cổ hắn thì có nghĩa là số phận hắn đã được định đoạt. Ông đưa tay ra, những ngón tay có bộ móng cáu bẩn tiến sát dần đến cái cổ bò mộng có cục yết hầu to tướng đang trồi lên trụt xuống... Sát nữa.

- Dừng lại, anh Hùng!

Tiếng ông Tường đột ngột vang lên phía sau lưng khiến ông chưng hửng lại một giây. Thế là thế nào? Sao lại cản? Chả lẽ khi cần, người ta lại đứng về phía nhau như bản chất chăng? Ông quay lại và ngỡ ngàng khi nhìn thấy trên tay ông Tường đang có một khẩu súng nhỏ xíu. Tiếng nói ông vẫn nhột nhạt:

- Địch! Cả một đời cầm súng ta chưa biết bắn ai. Nhưng hôm nay ta sẽ bắn ngươi. Đừng ngạc nhiên. Biết rằng trước sau gì số phận cũng bắt ta đụng ngươi một lần nữa nên ta vẫn lưu giữ khẩu súng này. Giữ để chờ và hôm nay ngươi đã đến... Thiên hạ có thể cho ta là bạc nhược, suốt đời bạc nhược nhưng ít nhất, dù chỉ một lần, ta sẽ không bạc nhược với ngươi.

Gã tội đồ hoàn toàn bị bất ngờ trước tình huống này. Hắn đứng chết trân, đôi mắt hùm hụp hết nhìn họng súng lại nhìn gương mặt Sương, ảo não. Có lẽ hắn đã bắt đầu hiểu cái con người hiền lành đến nhu nhược này một khi đã biết giương súng lên là không hạ xuống nữa. Ông Tường lùi xuống nửa bước, nòng súng vẫn rung nhẹ, từ từ chếch lên nhằm giữa ngực hắn. Hắn ríu chân định lùi ra cửa nhưng cánh cửa đã bị đóng chặt. Hắn đành trượt theo tường như một con tê giác, lưng áo miết vào vôi vữa sàn sạt... Trời! Nếu như đúng lúc đó khẩu súng kia phát nổ hoặc ông Hùng không cho hắn chuyển động thêm nữa thì thảm kịch ấy đã có thể không xảy ra. Bởi vì sự chuyển động đã đưa hắn đến gần Sương. Vừa lúc ngón tay ông Tường siết vào vòng cò thì cũng là lúc Sương nhao người lên chen vào đứng giữa hai người:

- Đừng! Xin đừng bắn!... Sẽ có pháp luật. Đừng...

Ông Hùng đột nhiên thấy tê dại trong người. Thì ra vào giây phút chót cùng, cô ta vẫn có ý bảo vệ cho hắn. Nét mặt sợ hãi, lo âu thật sự kia đã nói lên tất cả. Khốn nạn...

Khoảnh khắc ngưng đọng ấy đủ để hắn kịp chộp lấy mái tóc vừa xổ ra của Sương kéo giật về phí mình. Tấm thân người đàn bà đã ngoài bốn chục tuổi nhưng vẫn lẳn gọn như con gái bỗng chốc trở thành tấm mộc che chắn kín đáo để tạo nên một lỗ hở trống hoác trong đầu ông.

- Hú vía! – Hắn nhe răng cười – Chút nữa chết bởi tay thằng cha nước lợ này thì quá uổng. Nước lợ bao giờ cũng là nước lợ chứ không trong lại được đâu ngài đại úy ạ! Đúng ra thằng bắn tao, thằng có quyền bắn tao là đồng chí đội trưởng đặc nhiệm kia chứ không phải là mày, một thằng sĩ quan phản lại đội ngũ. Ân oán giang hồ, trận tuyến chưa hợp nhất, nó chỉ ngấm ngầm đổi dạng thôi các ông bạn đồng chí ơi!

Trong cánh tay ghì chặt của hắn, Sương bỗng thốt lên một tiếng đau đớn, cổ ngoẹo xuống, mắt trợn lên, bộ ngực thở giật giật... Ông Hùng nhao người lên:

- Bỏ cô ấy ra! Bỏ ngay ra rồi cút đi đâu thì cút! Mày không thấy cô ấy đang có một vết thương ở đầu à? Bỏ!

- Biết chớ nhưng bỏ sao được mà bỏ – Hắn nhìn xuống thân thể Sương rất nhanh rồi nhìn lên, ánh mắt đanh lại, man dại – Rất tiếc trận ấy tao để sổng mày, thằng đặc nhiệm ạ! Còn bây giờ đến lượt mày sẽ phải để sổng tao. Sòng phẳng, như cũ, chỉ có một cái khác: thi thể người đàn bà này sẽ không bao giờ bọn mi còn có dịp tráo đổi nữa. Chào! Tiên sư chúng mày!

Bằng sức vóc bò mộng, hắn đẩy mạnh Sương về phía hai người rồi lao văng vào bóng đêm... Để mặc cho bạn ở lại với nạn nhân vẫn đang từng hồi co giật, ông Hùng giằng lấy khẩu súng vội vã đuổi theo... Khốn khổ thay, mười mấy năm trời chỉ quen ngồi ỳ một chỗ gặm nhấm cay đắng, buồn vui, bây giờ làm sao có thể đuổi kịp hắn? Mới chạy theo được một đoạn, hai đầu gối ông đã muốn nhủn ra. Chạy thêm đoạn nữa, hai chân ông ríu vào nhau rồi hoàn toàn khụy hẳn. Ông đành dừng lại, thở dốc nhìn hút theo con lộ mênh mang vắng lặng, để mặc cho hai dòng nước mắt cay đắng, bất lực chảy ra...

Xiêu vẹo đi trở lại, vừa đến bậu cửa, ông đã được nghe tiếng ông Tường thông báo:

- Cô ấy chết rồi! Vết thương cũ trên đỉnh đầu không chịu nổi cú sốc này.

Ông nhủi người ngã vật xuống.

***

Bạn đọc thân mến!

Câu chuyện về một mảng đời trong cuộc hành trình tìm về dĩ vãng của tôi có thể kết thúc được ở đây. Còn điều gì đáng nói nữa khi tôi phải tạm biệt nơi này, ngôi nhà trong vườn cà phê với một tâm trạng quá đau buồn như thế.

Sau khi đã miễn cưỡng hoàn tất các thủ tục làm chứng của một vụ án hình sự giết người thông thường, chúng tôi, lúc ấy đã hội tụ đầy đủ cả bốn người, bảo nhau đưa Sương lên xe riêng của Tuấn mang về chôn cất ở bìa rừng năm xưa, cách nghĩa trang liệt sĩ không xa lắm.

Vậy là cái khoảng đất cao ráo tại bìa rừng ấy đã hai lần đón em vào lòng. Một lần giả, một lần thật. Em sẽ không bao giờ có lại trên đời này nữa! Sương ơi!... Thế là thằng Viên nó nói vẫn đúng: Số phận hai đứa gắn bó với nhau thật nhọc nhằn và rồi cuối cùng em vẫn đi trước tôi! Cớ sao trời lại cứ bắt phải như thế mà không đổi ngược lại được?

Dàn hàng ngang, mỗi người cắm một nén nhang lên mộ em xong, tột cùng u uất và thấy chả còn gì dính líu đến mảnh đất này nữa, tôi nói ngày mai sẽ tạm biệt tất cả để lên đường trở ra ngoài kia. Sao lại trở ra ư? Tôi đã tính di cư vào ở hẳn trong này để sống nốt những năm tháng chót cùng với vùng kỷ niệm của mình kia mà? Biết trả lời với bạn bè thế nào đây? Nghẹn lời lắm! Có lẽ tốt nhất là chưa nên trả lời gì cả.

Cản giữ không được, ba người bạn đành gật đầu và nói tôi cứ yên tâm đi rồi nhanh chóng trở lại, chuyện thằng giết người kia ở lại họ sẽ lo, nếu chính quyền không tìm ra thì nhất định họ sẽ lùng được hắn, nhân danh đồng đội, nhân danh những người đã ngã xuống và những người đang sống vất vả trên đời này, với thằng như thế không thể nào để cho tồn tại được.

Họ bịn rịn đưa tôi lên Sài Gòn, quyết định làm một tiệc nhẹ chia tay rồi từ đó tiễn tôi lên tàu. Bạn bè bảo tôi là chủ xị, để mặc cho tôi cái quyền được chọn cửa hàng. Khổ! Xứ lạ quê người, tôi có biết cửa hàng nào đâu? Và giây phút bất chợt đó, tôi bỗng nhớ đến cái nhà hàng lần đầu tiên gặp em nằm cách đây ba trăm cây số. Thật rụt rè, tôi để lộ ý này. Họ ưng thuận ngay.

Thế là cả bọn kéo về chốn cũ, căn phòng cũ, chỉ thiếu có Quân và... bóng hình cùng tiếng nói vuốt nhọn những âm tiết cuối cùng của em. Buồn man mác, nước mắt lại muốn trào ra... Nhanh quá! Mới chỉ có hai tháng, tôi còn ngồi đây, kẻ ăn mày dĩ vãng, em còn đứng ở đó, người trốn chạy quá khứ, vậy mà... Mới chỉ có hai tháng thôi!

Thấy phòng bên có tiếng hát quen quen, tiếng nhạc nhè nhẹ, như có sự mách bảo của vô thức bên trong, tôi bần thần đứng dậy nhìn sang... Nhưng ngay sau đó lại ngồi xuống. Ở đó, ngồi cạnh một gã đàn ông trạc tuổi tôi nhưng hồng hào, béo tốt, cô bé người Hoa xinh đẹp dạo nào cũng lại đang cho ngón tay cái của gã vào miệng nhá nhá và nước mắt cũng đang lăn ra. Có một tiếng nổ nhỏ ở trong đầu, tôi đứng dậy:

- Bữa nay mình là chủ xị phải không?

- Còn bàn cãi gì nữa – Ba Thành nói.

- Vậy dẹp đi! Và bây giờ lên xe trở lại nhà thằng Tuấn. Sẽ nhậu tại đó

- Còn chuyến tàu? – Tuấn hỏi.

- Cũng dẹp luôn! Tao sẽ ở lại với chúng mày để tìm bằng được tên giết người đó.

- Hay! – Ba Thành kêu to – Vậy mới đúng là mày. Tất cả lên xe! Tao chỉ huy.

Tất cả đi ra hết, tôi còn nán lại một chút với dáng hình em vương vấn ở đâu đó. Tôi muốn nói với em một lời: cuộc chiến tranh vừa qua có thể là trò đùa nhưng sự mất mát lại là có thật. Cuộc đời hôm nay có thể chỉ là tấn tuồng nhưng nỗi buồn không bao giờ là một màn kịch cả. Phải vậy không em?

Chính thế mà tôi ở lại.


Hết