Chương 7


Thằng An có trăm nghìn cách để không chịu "cùng tiến" với tôi. Không chỉ bằng các câu đố, bằng những trò đá gà, đá dế, nó còn "dụ khị" tôi bỏ các buổi học chung bằng lắm trò hấp dẫn khác.
Còn tôi, lý trí thì cưỡng lại những sự rủ rê của An, nhưng tình cảm và hành động cứ bị cuốn hút theo những việc làm sai trái nhưng đầy quyến rũ của nó.
Nói cho đúng ra, An chỉ tỏ vẻ hào hứng với chuyện học tập một lần. Đó là lần anh Vĩnh nó về phép, kiểm tra bài vở của nó và dọa đưa nó đi cải tạo.
Nhưng nó chỉ hào hứng được có một ngày. Qua ngày hôm sau là mọi chuyện lại vào đâu vào đấy ngay.
Tôi và An bắt đầu học chung với nhau đã khá lâu nhưng kết quả thực sự chẳng đạt được bao nhiêu.
Thực ra, những buổi tôi ôm tập đến nhà nó gọi là "chơi chung" thì chính xác hơn là "học chung".
Bây giờ nó vẫn tiếp tục giở giọng "từ từ hãy học" nhưng tôi khó mà phản đối được. Bởi kèm theo cái điệp khúc lười biếng của mình, bao giờ nó cũng rủ:
- Bây giờ hai đứa mình đi xem phim đi!
Tôi từ chối yếu ớt:
- Thôi, học đi! Phim phiếc gì!
An vẫn không nản. Nó tiếp tục tấn công:
- Phim "Trộm mắt Phật" hay lắm mày.
- Phim "Trộm mắt Phật" thật hả ?
- Ừ, phim nói về tên trộm thành Bátđda đó!
Tôi háo hức:
- Phim đó đang chiếu ở rạp nào ?
- Rạp Cây Gõ. Gần đây nè!
Thế là quên phắt đi chuyện học tập, tôi giục nó:
- Đi thì lẹ lên!
Nói xong tôi không khỏi áy náy về quyết định của mình. Tôi bèn nói thêm:
- Nhưng đi một lần này thôi nghe!
An tươi tỉnh:
- Ừ, một lần thôi! Lần khác mình xem phim khác!
Tôi nhăn nhó:
- Thôi đi, không có lần khác đâu!
Nói vậy nhưng tôi biết tôi "nói là nói vậy", giống kiểu nói của bà tôi, khi chấp nhận thua cuộc trước ba má tôi. Có lẽ thằng An cũng thừa biết điều đó nên nó không buồn lên tiếng trước thái độ của tôi.
Y vậy, lần sau, nó lại rủ rê. Nhưng lần này nó tỏ ra khéo léo hơn.
Vừa thấy mặt tôi, nó nhướn mắt lên:
- Mày đọc cuốn truyện "Người Vô Hình" chưa ?
- Có phải cuốn truyện trong đó có anh chàng tàng hình vào ở trọ trong quán không?
- Đúng rồi! Cuốn sách có cái bìa xanh xanh đó.
- Ừ, tao đọc rồi! Tao mượn ở thư viện trường mình chứ đâu.
An khịt mũi:
- Người ta đang chiếu phim đó mày ạ.
- Phim gì?
- Phim "Người tàng hình" chứ phim gì! Tụi nó xem xong khen quá trời!
Tới đây, tôi đã biết thằng An muốn gì. Nhưng phim "Người tàng hình" quả là có một sức hút mạnh liệt. Tôi rất thích cuốn truyện đó, bây giờ tôi rất nôn nóng muốn xem những hành động của người tàng hình trong phim đó như thế nào.
Thế là hai đứa tót ra đường. Còn tôi, quả tình tôi không còn tâm trí nào nhớ đến lời nói quyết liệt của mình hôm trước.
Nhưng không phải bao giờ các rạp chiếu bóng cũng có phim hay. Những lúc đó, thằng An lôi kéo tôi bằng cách khác:
- Đi Sở thú chơi mày!
Tôi lắc đầu:
- Tháng trước tao đi rồi.
- Nhưng cách đây một tuần, con cọp cái trong sở thú mới đẻ một bầy con.
Tôi tròn mắt:
- Sao mày biết?
- Tao xem trên ti-vi.
- Người ta có quay mấy con cọp con không?
- Có chứ! - An mô tả bằng giọng sôi nổi - Tụi nó trông hiền khô à! Giống như mấy con mèo. Tụi nó nằm bú mẹ trông dễ thương ghê!
Đang nói tự nhiên nó hạ giọng:
- Đi coi đi!
Thế là chiều hôm đó hai đứa tôi tha thẩn trong Sở Thú đến tối mịt mới về.
Lần đó, thằng An phải lấy xe đạp chở tôi về nhà bởi tôi vẫn chưa dám đi ngang lò thịt một mình vào ban đêm.
Cứ như vậy, hết đi xem phim đến đi Sở Thú, hết đi ăn kem đến bóng đá, An dẫn tôi la cà rong chơi suốt, hai đứa học chung với nhau chẳng bao lăm...
An lại sẵn tiền, chúng tôi tha hồ tiêu xài. Điều đó tăng thêm sự thú vị trong những buổi đi rong. Thoạt đầu tôi còn áy náy và ngượng ngùng, nhưng càng về sau tôi càng quen dần, chẳng còn thấy lương tâm cắn rứt nữa.
Má An thì suốt ngày ở ngoài chợ, lo buôn bán, chẳng bao giờ để ý đến chuyện học hành của An. Thỉnh thoảng gặp tôi, má nó chỉ nói gọn một câu "bạn bè với nhau, cháu giúp nó giùm bác" rồi quày quả đi mất.
Anh Dự thường có mặt ở nhà. Anh nói tổ hợp nhựa nơi anh làm hiện nay đang thiếu vật liệu nên chẳng có công việc gì nhiều. Dù vậy tôi vẫn thấy anh ăn xài rất sang, chẳng tỏ vẻ gì túng bấn cả. Tính anh lầm lì ít nói, thoạt đầu tôi rất sợ nhưng rồi cũng quen dần.
Cũng như má An, anh Dự chẳng bao giờ quan tâm đến chuyện bài vở của em mình. Trừ cái chuyện vào lò thịt hôm nọ còn chẳng bao giờ tôi thấy anh rầy la An một chuyện gì. Anh để mặc nó muốn làm gì thì làm. Thỉnh thoảng xài hết tiền má đưa, An lại xin tiền anh Dự và chẳng bao giờ anh từ chối nó. Trong những lần nói chuyện với tôi, An thường tỏ ra rất tự hào về anh Dự.
Chính vì gia đình An như vậy nên hai đứa tôi lêu lổng thỏa thích.
Chỉ có ba tôi thỉnh thoảng hỏi han:
- Dạo này bạn An của con học hành ra sao rồi ?
Tôi đáp lấp lửng:
- Cũng bình thường thôi, ba!
- An chịu học rồi chứ ?
- Dạ.
Nói dối là một việc vô cùng xấu hổ. Nói dối với ba lại càng xấu hổ hơn. Mỗi lần như vậy, lòng tôi thật dằn vặt, nhưng quả tình tôi không đủ can đảm để nói sự thật. Tôi chỉ biết tự nhủ thầm: lần tới mình sẽ giúp An học hành nghiêm túc! Nhưng cái lần tới đó chẳng tới bao giờ.
Bà tôi mỗi lần thấy tôi ôm tập vở chuẩn bị đến nhà An lại gật gù:
- Giúp bạn là một việc tốt, cháu ạ!
Nhưng bà vẫn không quên dặn với theo:
- Khi đi ngang lò thịt có ai gọi, cháu nhớ đừng trả lời nghe chưa!
- Bà cứ dặn hoài! Cháu nhớ rồi mà! - Tôi nhăn mặt đáp.
Trong chuyện này chỉ có nhỏ Ái là tỏ vẻ nghi ngờ. Nó thường nhìn tôi dò xét:
- Anh có học chung với anh An thật không đó ?
Tôi hất hàm:
- Sao lại không? Chẳng lẽ tao giả bộ à ?
Nó rụt vai:
- Em nghi lắm.
Tôi giơ nắm đấm trước mặt nó:
- Nghi cái gì ? Tao cốc cho một cái bây giờ!
- Hôm trước em thấy anh và anh An đèo xe đạp đi chơi ngoài phố.
Tôi giật bắn người:
- Đừng có xạo! Mày thấy hồi nào ?
- Thứ năm tuần trước.
Chết rồi! - Tôi nhủ thầm - Chiều thứ năm tuần trước, đúng là hai đứa tôi có đi rong ở công viên Phú Lâm. Không hiểu tại sao nhỏ Ái thấy được! Đúng là xui tận mạng!
Biết không thể nào giấu được, tôi chống chế:
- À, hôm đó học xong rồi tụi tao chạy lòng vòng một chút cho mát đó mà!
Nhỏ Ái không căn vặn gì nữa nhưng nhìn ánh mắt của nó, tôi biết là nó vẫn chưa hết ngờ vực. Nhưng chả sao, nó là em tôi, vả lại lát nữa nó sẽ quên ngay mọi chuyện. Nó còn bao nhiêu công việc nhà phải làm.
Kẻ tôi ớn nhất vẫn là thằng Nhuận. Nhưng từ hôm đó đến nay, Nhuận không "viếng thăm" tụi tôi thêm một lần nào nữa. Có lẽ nó đinh ninh tôi và An đã đi vào nề nếp.
Nhưng để che mắt được ban cán sự lớp và mấy đứa bạn trong tổ không phải là chuyện đơn giản. Tôi và An phải bàn cãi với nhau mấy ngày trời mới tìm ra mưu kế.
Theo mưu kế của tụi tôi, hôm nào có các tiết học "dễ chịu" như môn địa của cô Nga, môn sử của cô Hồng Lãng, môn sinh vật của thầy Lưu chẳng hạn, thì thằng An cố gò mình học bài cho thiệt thuộc. Tới lớp, khi kiểm tra bài cũ, đợi thầy cô hỏi "em nào thuộc bài ?" thì An xung phong giơ tay liền.
Nó đã làm như vậy hai ba lần. Lần nào cũng thành công rực rỡ. Vì đã chuẩn bị trước, nó trả bài ro ro, nhuyễn như cháo. Hành động anh hùng của An khiến cả lớp trố mắt. Các thầy cô cũng ngạc nhiên tột bực. Ai đời một học sinh chẳng bao giờ thèm ngó ngàng đến bài vở, coi điểm một điểm hai là bạn bè thân thiết của mình, bỗng vụt một cái trở thành một đứa gương mẫu, giơ tay xin lên bảng trả bài, bảo ai không bàng hoàng cho được! Thằng Vương, nhỏ Tuyết Vân và thằng Nhuận nhìn An ánh mắt đầy thiện cảm. Tất nhiên, tôi cũng được hưởng lây vinh quang của nó. Trước mặt tụi bạn, hai đứa tôi đúng là một cặp cùng tiến mẫu mực, đáng cho các cặp khác học tập.
Sau vài lần như vậy, các thầy cô không màng "hỏi han sức khỏe" An nữa. Trong một thời gian dài, chẳng bao giờ nó bị kéo lên trả bài. Và chúng tôi cũng chỉ đợi có vậy. Sau vài màn biểu diễn ngoạn mục, thằng An chẳng phải gò mình học bài nữa. Nó lại trở lại là cái thằng An "từ từ hãy học" trước đây.
Nhưng cái mưu mẹo trên chỉ có thể đối phó được các môn học lý thuyết. Còn với các môn có thực hành kiểm tra như toán, văn, vật lý, hóa học, sinh ngữ... thì tôi chỉ có mỗi cách "hộ trợ" An là cho nó... cóp-pi.
Đối với các học sinh lười, cóp-pi đã trỡ thành một nghề. Và vì là một nghề, kỹ thuật sao chép đã được nâng lên đến mức điêu luyện. Chỉ cần thằng bạn hớ hênh trong một tích tắt, đứa ngồi bên cạnh đã thu thập đầy đủ những con số và dữ kiện cần thiết cho bài làm của mình, không sai một mảy may.
Huống hồ gì ở đây, hai đứa tôi lại đồng lõa với nhau. Mỗi lần làm bài tập, An cũng giả bộ hí hoáy tính tính toán toán để che mắt thiên hạ. Đợi đến khi cả lớp chú tâm làm bài, không ai để ý xung quanh, tôi sè sẹ nhấc tay lên cho nó "chụp hình" bài làm của tôi. Mà cái thằng này, làm bài thì dốt mà liếc bài làm của người khác thì nó lại tỏ ra thông minh, nhanh nhạy quá cỡ. Đảo mắt qua một cái là nó ghi lại trúng phóc, thật là tài!
Chúng tôi cứ "cùng tiến" với nhau như vậy một thời gian, chẳng có ai phát hiện.
Mãi đến khi xảy ra chuyện sau đây thì mọi sự mới đổ bể.
Số là hôm đó chúng tôi học đại số. Cô Quỳnh Hoa ra một bài toán về giải phương trình:
"Một đàn ngỗng trời đang bay, chợt một con ngỗng khác bay qua kêu: "Chào trăm bạn!" Con ngỗng đầu đàn đáp: "Chúng tôi không đúng một trăm. Số chúng tôi hiện có phải cộng thêm với số hiện có và một nữa số hiện có và một phần tư số hiện có, lại cộng thêm cả bạn vào nữa thì mới đúng một trăm". Hỏi đàn ngỗng có bao nhiêu con?"
Đây là một bài toán cổ, có trong sách giáo khoa. Thằng An tất nhiên là mù tịt. Nó chỉ giỏi các câu đố mẹo có nhiều yếu tố đánh lừa, chứ bài toán "nghiêm chỉnh" trong chương trình học đòi hỏi phải thực hiện các phép tính, phải giải các phương trình thì nó mít đặc.
Ngay cả tôi, một trong những học sinh khá toán của lớp cũng phải hoảng trước cái đề lạ lùng này. Nhất là cô Quỳnh Hoa chỉ giới hạn làm bài trong hai mươi phút.
Trong khi tôi tính tới tính lui, tẩy tẩy xóa xóa trên giấy nháp thì thằng An ngồi cắn viết chờ thời.
Phải gần hết hai mươi phút quy định tôi mới giải được bài toán. Đúng lúc đó, cô Quỳnh Hoa đập thước xuống bàn một cái "cốp" ra hiệu nộp bài. An quýnh quáng. Nó chỉ kịp chép vội vàng cái đáp số của tôi rồi mang lên nộp.
Đó là một sơ suất lớn mà ngay lúc đó vì hấp tấp, tôi và An không đứa nào kịp nhận ra. Trong lớp thiếu gì đứa không giải được bài toán nên không nộp bài. An hoàn toàn có thể làm như vậy nhưng không hiểu ma xui quỉ khiến như thế nào, nó lại chép nhoáng nhoàng mỗi một cái đáp số rồi mang tờ giấy lên dấm dúi vào giữa sấp bài của tụi bạn đang để trên bàn cô.
Cô Quỳnh Hoa chấm bài rồi phát ra ngay tại lớp. Trong bốn chục học sinh chỉ có năm bài làm đúng, trong đó có bài của An. Thật ra, học sinh lớp tôi trình độ không đến nỗi kém như vậy. Nhưng vì thời gian làm bài bị khống chế nên nhiều đứa mày mò mãi chưa xong. Trong số ít ỏi những đứa tìm ra đáp số bài toán, khổ thay, lại có An.
Là một học sinh dốt đặc về toán mặc dù gần đây An có "tiến bộ" chút chút, nhưng để giải một bài toán "tầm cỡ" như vậy, rõ ràng là An chưa đủ sức. Chỉ mỗi hiện tượng đó đủ để gây ra nghi ngờ. Huống chi, bài làm của nó không trình bày phép giải mà chỉ có trần trụi một cái đáp số, dù rằng An cũng hơi khôn ngoan khi viết thành một hàng: x= 99.(4/11) = 36 thay vì viết 36 gọn lỏn.
Nhưng điều đó vẫn không làm cô Quỳnh Hoa thoả mãn. Cô cầm xấp bài trên tay, nói:
- Cả lớp chỉ có năm em giải được bài toán này. Trong đó cô rất ngạc nhiên về sự tiến bộ của em An. Tuy nhiên bài làm của An chưa trình bài đầy đủ phép giải. Bây giờ cô đề nghị An lên bảng giải lại bài toán cho các bạn cùng xem!
Cô gọi nó lên bảng mà tôi có cảm giác kêu nó ra tòa. Khổ nỗi, nó mà ra tòa thì tôi cũng đi tù. Tôi liếc An, thì thầm:
- Phen này tụi mình lãnh đủ!
Nó tỉnh bơ còn pha trò:
- Lãnh dư chứ lãnh đủ gì!
Nói xong, nó bước ra khỏi chổ ngồi, tiến lên bảng.
Cầm viên phấn từ tay cô Quỳnh Hoa, An bắt đầu đứng... suy nghĩ.
Nó đứng lâu thật lâu, chân đổi hai ba lần. Nó còn bặm môi, trợn mắt, y như đang suy nghĩ ghê lắm. Biết nó giở trò "ăn vạ" dưới lớp bắt đầu có tiếng cười khúc khích.
Cô Quỳnh Hoa cũng không còn lạ gì An. Tuy nhiên cô vẫn hỏi bằng giọng nghiêm nghị:
- Sao em đứng lâu thế ?
Đúng như tôi nghĩ, An trả lời bằng một câu "bài bản":
- Thưa cô, em đang nghĩ ạ! Cô đợi em nghĩ thêm một chút nữa thôi!
Nhưng cô Quỳnh Hoa không bị mắc bẫy. Cô nói:
- Có gì đâu mà phải suy nghĩ! Em chỉ trình bày lại cách giải em vừa làm kia mà!
An gãi cổ:
- Khi nãy em làm được, còn bây giờ em quên béng mất rồi ạ! Tính em sao dạo này hay quên quá!
Tôi ngồi dưới theo dõi cuộc đối đáp, nửa tức cười nửa ngán ngẩm, nghĩ bụng: Giờ này mà nó còn pha trò được, thiệt hết biết!
Đúng lúc đó, nhỏ Tuyết Vân và thằng Nhuận quay đầu lại dòm tôi bằng ánh mắt nghi hoặc. Tôi phớt lờ, không thèm nhìn tụi nó.
Ở trên bảng cô Quỳnh Hoa lại hỏi:
- Thôi bây giờ em trả lời cho cô biết: con số 99 ở đâu ra ?
Tất nhiên là An không thể biết xuất xứ của số 99. Nhưng nó có biệt tài là không chịu bó tay trước bất cứ hoàn cảnh khó khăn nào. Trước các câu hỏi, dù biết hay không nó cứ trả lời đại, trúng trật đã có... trời lo. Lần này cũng vậy, nó đáp:
- Thưa cô, em lấy 100 trừ 1 còn lại 99 ạ!
Rõ ràng là An pha trò. Nhưng trớ trêu một cái, trong bài toán tôi giải, số 99 đúng là do 100 trừ 1 mà thành.
Cô Quỳnh Hoa hỏi tiếp:
- Thế số 100 từ đâu ra ?
An lưỡng lự một chút rồi đáp cầu may:
- Đó là số 100 trong đề toán ạ!
Lại đúng!
- Còn con số 1?
An nhắm mắt nói liều:
- Đó là con ngỗng trời bay ngang ạ!
Một lần nữa, An lại trả lời đúng, y như có phép màu. Tôi theo dõi "số phận" của nó y như đang xem phim trinh thám, trán toát mồ hôi, trống ngực đập thình thịch.
Cô Quỳnh Hoa lại truy, nhưng lần này giọng cô có vẻ hài lòng:
- Cô hỏi em một câu chót nữa thôi : Thế con số 11 từ đâu mà có ?
Với câu này tôi biết chắc thằng An sẽ bị lộ tẩy. Nhưng nó, nó không hề biết điều đó và lại giở mửng cũ:
- Thưa cô, em lấy 10 cộng 1 ạ!
Thực ra thì số 11 này do các con số 8x + 2x + x thành 11x, sau đó ẩn số x được chuyển sang vế bên kia của đẳng thức, chỉ còn lại con số 11. Nói cho chính xác ra thì con số 11 không đứng riêng rẽ mà nó là tử số của phân số 11/4.
Có tài thánh, thằng An cũng không hiểu được những ngoắt ngoéo đó. Cho nên lần này vận may không đứng về phía nó nữa.
Cô Quỳnh Hoa mỉm cười:
- Thật là lạ! Con số 10 ở đâu ra thế ?
Tới đây, thằng An thấy nguy, biết mình đã đặt một chân xuống hố. Nó đành lao theo luôn:
- Dạ ở trong đầu em ra ạ!
Cả lớp cười rần rần, Thằng Quyền cười to nhất. Nó còn hét tướng:
- Thưa cô, đáp số của bạn An không phải ở trong đầu mà ở trong bài làm của bạn Nghi ra đó ạ!
Trong khi An lủi thủi đi xuống thì tôi chồm qua lưng Hưng nhí thoi thằng Quyền một quả thật mạnh. Nó quay lại định đánh trả nhưng thằng Nhuận đã kịp giữ tay nó lại:
- Không được đánh nhau trong lớp!
Nói xong Nhuận nhìn tôi:
- Còn mày, mày giúp đỡ An như vậy đó hả!
Ngay ngày hôm sau, mấy đứa trong tổ tôi, với sự tham gia của nhỏ Tuyết Vân trong tư cách lớp phó học tập, tổ chức một buổi kiểm tra trình độ của An.
Mọi chuyện thế là vỡ lở. Cả bọn vô cùng kinh ngạc khi phát hiện ra những điểm số mà An đạt được trong các bài kiểm tra hoàn toàn là nhờ cóp-pi mà có.
Và tệ hại hơn nữa, qua đó, tụi bạn cũng bắt đầu biết được trong thời gian qua tôi và An đã "học chung" với nhau như thế nào.